Chuyến tàu biệt ly

CHUYẾN TÀU BIỆT LY

“Tu.. tu”

Tiếng còi tàu hú từ đằng xa, đèn rọi đường chiếu một vệt sáng dài trên đường ray. Nhân viên kiểm soát đưa chiếc hộp đèn màu đỏ quay hướng ra chiều ngược lại. Điếu thuốc còn đang hút dở chừng được gạt xuống khỏi môi. Trong cái ráng chiều tháng tư, hắn thấy rõ mình trên vằng khói thuốc xam xám ấy.



Rồi thì tiếng gọi í ới ở toa soát vé, người đưa tiễn, người đi tàu đều hồi hộp chờ đoàn tàu dừng bánh nhanh. Thế nhưng, cái sự chờ đợi ấy cũng không làm cho bánh xe chạy nhanh hơn. Trông nó ì ạch đến sợ, cái uể oải ấy đã đi được đoạn đường hơn ba trăm kilômét từ Sài Gòn về đây và còn tiếp tục một chặng đường dài nữa ra bắc. Mấy người đưa tiễn người nhà nhấc cốc cà-phê tu một hơi cạn sạch. Thứ nước màu đen có pha mùi khen khét của bột bắp xay ấy hắn không nghĩ nó cũng được gọi là cà-phê. Họ nhấc người lên khỏi chiếc ghế nhựa, người thì bắt tay đưa tiễn, người thì xách đồ đạc, người lại thủ thỉ dặn dò dăm ba câu. Mấy đứa trẻ con nhấp nhổm đứng ngồi không yên, chúng cứ níu tay mẹ, bá cổ cha hỏi về đoàn tàu hoả. Lo lắng và chút tò mò hiếu kì của trẻ con lại làm người lớn nôn nao hơn. Dường như mọi sự xa cách li biệt đều khiến người ta lưu luyến đến lạ. Ngay cả hơi thở, cũng muốn chậm hơn.

Mấy chiếc xe kéo chở đầy trái cây, mà nhìn chung đều là những giỏ nho đỏ, cóc, ổi, xoài.. những thứ trái cây mùa hè. Người bán chạy nhanh, đẩy chiếc xe kéo lại gần đường ray hơn. Mấy cái bịch ni-long cũng được mở tung ra, dồn trái cây vào sẵn để đợi đoàn tàu dừng vài phút. Nhân viên gác tàu đi vòng nhắc nhở hành khách đứng xa đường ray. Tiếng còi tàu hú hét ầm ĩ hơn, loa phát thanh được bật hết công suất. Một giọng phụ nữ trung niên ồm ồm: “Kính thưa quý khách đi tàu, đoàn tàu SE.. đang tiến vào sân ga. Đề nghị…”

Khung cảnh lúc này bớt phần nhộn nhạo, người ta như nín thở để nghe nhịp kéo của đầu tàu. Các toa đỗ xịch cách chỗ người ta ước chừng độ vài chục mét. Hành khách, người bán hàng đều nháo nhác. Cửa toa tàu đã mở từ bao giờ, nhân viên toa bước nhanh ra khỏi cửa, gắn cái bảng hiệu số toa lên thanh tay cầm. Người lên, kẻ xuống chen chúc nhau. Người rơm rớm nước mắt tiễn đưa, người vui cười hớn hở đón kẻ về. Độ chừng vài phút tàu sẽ chuyển bánh. Các xe đẩy hàng tranh nhau bán buôn. Người ta luồn tay qua khung cửa trao đổi nhau những quà bánh.

Trí thu mình trên chiếc ghế đá gần cái hồ cá nhân tạo. Ánh đèn chớp nháy trên thân cây dừa cũng đủ soi sáng nét mặt hắn. Điềm tĩnh đến đáng sợ. Cái sự yên bình ấy lại có chút gì của chờ đợi. Ai cũng biết hắn đợi gì nhưng chính hắn nhiều khi lại quên mất việc đó. Như kiểu đợi chờ là một việc dĩ nhiên, như ăn, như ngủ.. mà chắc chắn hắn phải làm mỗi ngày. Cái trán vuông vức đó lại kéo đôi mắt xếch của hắn chụm lại vào nhau. Điệu bộ đó người ta chỉ thấy được khi đoàn tàu sắp rời đi. Ngày nào cũng thế. Cứ xế chiều hắn lại ra băng ghế đá đó ngồi, cứ điềm nhiên chờ đoàn tàu đến rồi đi. Có đôi lần, mấy con cá trong hồ không chịu được hành động bất lực của hắn, chúng quẫy đuôi bắn hết nước vào mặt hắn. Hắn vẫn không tỉnh. Hắn vẫn đợi chờ. Sự đợi chờ chưa chắc mang lại cho hắn hạnh phúc, ngay từ trước hắn đã biết như vậy nhưng hắn vẫn gan lì. Hắn muốn đánh đổi trò chơi của số phận. Mà phận nghèo như hắn thì có được hạnh phúc không? Lâu lâu, hắn lại tự hỏi mình như thế. Mặc nhiên, hắn không có câu trả lời. Hắn vẫn đợi chờ Nhi.

Đoàn tàu hú hồi thứ hai. Người ta vội vàng chui tọt lên toa khách. Trong toa cũng nhốn nháo không kém. Người ta xếp đồ lên giá đỡ, người ta cầm vé đi kiếm số ghế ngồi, người ta kéo lê từng túi đồ lớn. Cả trăm con người trên toa tàu đều dồn mắt về những hành khách mới. Cửa toa tàu khép lại. Con sâu sắt to xác kéo lê mình đi. Ì ạch hú những tiếng cuối cùng trước khi rời sân ga. Người người lũ lượt đi về, di tản hết khỏi bên đường ray. Sân ga vắng người, trả lại cho nó cái nắng chiều buồn đậm màu hoàng hôn hơn. Màu tim tím pha đỏ chót ở cuối trời, cái nắng vàng ươm muốn tắt lịm gục xuống chân đồi phía xa. Mấy lúc như vậy người ta chỉ ngồi lì ra đó mà ngắm trời, hay chí ít là hít một hơi thật mạnh cái mùi đất biển dội lại từ đằng kia.

Hắn phủi quần đứng dậy đi về. Kết thúc cái việc làm mà mọi người vẫn nói rằng hắn thật ngu ngốc.

Đàn ông si tình rất ít. Hay dẫu có cũng thuộc loại đàn ông si tình thông minh. Hắn bật cười khi nghe nhỏ Hân nói thế. Si tình mà thông minh? Hắn không hiểu được thứ khái niệm đó. Đã si tình thì như một con thiêu thân biết chết nhưng vẫn đâm đầu vào. Còn đã thông minh thì làm gì biết si tình. Hắn tự giải thích cho mình như vậy, khoé môi lại mặn chát cái hơi hướm gió Lào. Ừ. Hân nói đúng, hắn là loại si tình ngu ngốc. Đàn bà si tình ngốc mười phần thì đàn ông si tình còn ngốc trăm phần hơn. Đàn bà yêu sâu đậm thì vật vã đau đớn. Đàn ông cháy khát vì tình thì đôi mắt như gàn dở, nửa ngây nửa dại, chín mười phần ngu ngơ.

Nhi, Hân và hắn lớn lên cùng nhau. Ba đứa đều sống trong cảnh nghèo của làng ga cũ. Toàn những nhà nghèo ọp ẹp. Bán bánh xèo, kéo bao bố, bán trái cây, chạy nước rẫy.. Cha mẹ nghèo, anh em nghèo, làng xóm nghèo cũ kĩ. Lớn lên trong cái sự nghèo quen rồi, hắn cũng coi đó là số kiếp của hắn. Hắn chưa một lần có ý định thay đổi, đó là sự mặc nhiên mà hắn nghĩ đời hắn, đời con hắn đều sẽ tiếp diễn như vậy.

Cái sai thứ nhất của hắn: Không muốn thay đổi tương lai. Lạ đời, người ta chỉ nói muốn thay đổi hiện tại chứ nào ai nói thay đổi tương lai? Tương lai là thứ chưa xảy đến mà. Hắn rập khuôn, một tương lai định sẵn trong đầu hắn. Rồi hắn sẽ ngày chạy nước rẫy, cuốc đất, đêm lăn ra ngủ ngáy khò khò. Vợ hắn ngày bán bánh xèo, đêm chạy ga bán trái cây. Con hắn ngày chơi nghịch đất, đào giun bắn chim, nửa chừng lớp chín bỏ học. Như hắn.

Hắn nhớ. Lúc tám, chín tuổi gì đó cứ chiều chiều hắn lại rủ Hân và Nhi ra đập nước. Ba đứa thi nhau coi đứa nào nhảy xuống nước nhanh nhất. Đứa nào thắng lại lấy lọ nghẹ quẹt mặt đứa kia. Chiều nào cũng vậy, như một hành trình của cả ba. Vậy mà giờ chỉ còn hắn với Hân.

Hắn thích chơi bắn bi, cái làng ga nghèo đó có vài đứa con trai nữa như hắn. Mấy hòn bi sứt mẻ lăn xiêu vẹo trên nền cát lún, bắn qua bắn lại vô cái ô tam giác, đứa la hét đứa chủi thề tranh giành mấy hòn bi bẩn. Rồi từ đó, Nhi với Hân chơi bi cùng hắn. Chơi với con gái thì có gì vui, được vài bữa hắn chán ngay nhưng cứ nhìn thấy Nhi thắng được ván nào hắn lại vui đến mở cờ trong bụng. Có khi hắn nhường hết bi cho Nhi để Hân mặt buồn tiu nghỉu.

Cái sai thứ hai của hắn: Không thể giữ Nhi ở lại. Ngày hôm đó, hôm nay và cả ngày mai nữa hắn đều nghĩ về Nhi, về cái buổi chiều tim tím đó Nhi chào hắn rồi bỏ đi. Nhi nói những gì hắn không còn nhớ hết nữa, chỉ còn đọng lại trong đầu hắn cái ánh mắt buồn buồn dính nước của Nhi, cái nắm tay lần đầu bỡ ngỡ mà cũng là cái nắm tay cuối cùng của hắn với Nhi. “Trí ở lại mạnh giỏi, Nhi đi nha”. Mấy lời đó có ma lực gì mà đến mãi bây giờ nghĩ lại hắn vẫn thấy đau đáu trong lòng. Đau đến cào xé ruột gan đi được. Phải, Nhi sợ cái tương lai mà hắn định sẵn trong đầu. Nhi sợ cái cuộc sống chồng cuốc vợ cày, con chạy nhảy. Người thành phố đâu có biết, mấy kẻ nghèo hèn xa lắc xa lơ kia luôn nghĩ thành phố giàu sang xa hoa rồi sẽ cho họ được hạnh phúc. Người làng ga đâu hiểu, cái gì cũng có sự đánh đổi, xa hoa hào nhoáng cũng chỉ là cái vỏ cho những cám dỗ, thị phi.

Ờ thì Nhi đi nhưng Hân vẫn ở lại. Hân ở lại nhìn cái sự lầm lũi của Trí trong vô vọng. Hắn đâu có biết rằng phía sau tấm áo bạc màu của hắn là đôi mắt vẫn ươn ướt đợi chờ. Số kiếp con người dài đến đâu chứ? Mà một vòng luẩn quẩn. Chờ qua chờ lại.

Ngót ngét nửa đời người rồi.

[m]https://www.youtube.com/watch?v=xn4RkT-1iYk[/m]

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn